Thủy kích dễ gặp vào mùa mưa bão. Hiện tượng này làm cho động cơ bị hư hỏng nặng nề và khó có thể sửa chữa triệt để.
Thủy kích
Thủy kích (tiếng anh là hydrocklocking) là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng động cơ ô tô bị thiệt hại nghiêm trọng do nước đi vào xi-lanh. Do xi-lanh không thể nén được chất lỏng, dẫn đến pít-tông không thể di chuyển. Kết quả là động cơ sẽ dừng lại đột ngột và có thể kèm theo nhiều hư hại cho động cơ.
Dấu hiệu của hiện tượng thủy kích
Dấu hiệu đầu tiên để bạn có thể biết được xe đã bị thủy kích là tiếng lách tách nhẹ, sau đó động cơ dừng lại hoàn toàn. Lúc này, bạn không thể khởi động lại động cơ vì nước đã tràn vào xi-lanh.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy kích
Nguyên nhân phổ biến nhất của động cơ thủy kích là lái xe qua vùng nước ngập hay để xe bị chìm trong nước quá lâu. Nếu xe đi vào các vùng ngập nước quá sâu có thể làm nước tràn vào xi lanh của động cơ qua đường ống hút gió. Càng đi tốc độ cao thì nguy cơ gây hỏng động cơ càng lớn.
Không phải tất cả các xe đều chịu được mức độ thủy kích như nhau, vì vậy khi xe bị thủy kích sẽ gây ra mức độ thiệt hại khác nhau. Ví dụ như các chiếc xe ống hút khí được lắp thấp sẽ dễ bị thủy kích hơn, đặc biệt là các dòng xe gầm thấp như sedan hoặc hatchback.
Ngoài ra, ngay cả khi xe đứng yên thì xe vẫn có khả năng bị thủy kích, đặc biệt là khi để xe ngâm quá lâu dưới nước. Bạn cũng nên biết rằng nước không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra thủy kích. Khi miếng đệm đầu bị hỏng sẽ làm chất làm mát vào trong xi-lanh.
Một nguyên nhân hiếm gặp hơn là xe bị hỏng bộ chế hòa khí hoặc kim phun nhiên liệu, cũng làm nhiên liệu chảy vào xi-lanh và gây ra hiện tượng này.
Các thiệt hại có thể xảy ra khi xe bị thủy kích
Khi xe bị thủy kích, mức độ thiệt hại của động cơ sẽ phụ thuộc vào tốc độ động cơ của bạn.
– Nếu động cơ của bạn đang hoạt động ở vòng tua máy (RPM) thấp và chạy ở chế độ không tải, khi nước vào xi-lanh có thể sẽ không có thiệt hại nào cho động cơ. Tuy nhiên, lúc này bạn sẽ không thể khởi động được động cơ và bạn cần nhờ người kéo xe đến cửa hàng chăm sóc bảo dưỡng ô tô. Nếu như không tháo ngay nước ra ngoài thì các bộ phận khác bên trong cũng rất dễ bị hỏng hóc, ăn mòn hoặc bị rỗ.
– Nếu xe của bạn chạy ở tốc độ cao hoặc ở RPM cao có thể khiến động cơ gặp vấn đề nghiêm trọng. Nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ khiến các pít-tông không thể di chuyển dọc xi-lanh nhưng vẫn chịu lực đẩy của trục cam làm cong cần pít-tông, các-te và ổ đỡ trục khuỷu bị hư hỏng; nặng hơn khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ…
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nhiều trường hợp tài xế được khuyên thay toàn bộ khối động cơ. Chi phí có thể từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Các thiệt hại khi xe ô tô bị thủy kích nghiêm trọng:
– Pít-tông bị biến dạng
– Tường xi-lanh bị vỡ
– Thanh tay biên bị uống cong
– Hư hỏng hệ thống làm mát
– Sốc nước lạnh trong động cơ
– Hư hỏng trục khuỷu
– Hỏng bộ chuyển đổi xúc tác
– Vòng bị kẹt do bị rửa sạch dầu
Cách nhận biệt xe bị thủy kích
Xe bị thủy kích là một trong những loại xe người tiêu dùng không nên mua, vì xe có thể bị hỏng hoặc chết máy bất ngờ. Hơn nữa, các bộ phận bên trong xe cũng rất dễ bị ăn mòn và ẩm mốc. Theo kinh nghiệm mua bán xe hơi, người mua có thể nhận biết xe bị thủy kích qua các dấu hiệu dưới đây:
1. Nghe tiếng máy và tiếng nổ máy
Do bị sửa chữa hoặc thay đổi động cơ nên xe có thể có tiếng kêu lạ. Nếu không có kinh nghiệm, bạn nên đi cùng các thợ sửa chữa chuyên nghiệp để kiểm tra xe.
2. Quan sát toàn bộ ốc, bu-lông bắt máy
Để xem xe đã bị sửa hay chưa, bạn có thể quan sát toàn bộ ốc và bu lông bắt mấy. Những xe bị thủy kích thì phải tháo toàn bộ máy ra ngoài để làm. Do vậy, người mua cần để ý giắc cắm, đường ống dẫn nhiên liệu, nước làm mát, ốc trên máy xem có dấu hiệu tháo ra hay chưa.
3. Gioăng đầu bò và nắp máy
Nếu bạn thấy gioăng đầu bò mới toanh hoặc silicon còn mới thì xe có thể bị rã máy rồi.
4. Quan sát ốc bắt ống xả vào thân máy
Đây là bộ phận dễ nhận biết nhất xem xe đã bị thủy kích hay chưa, vì khi xe bị thủy kích sẽ phải tháo bộ phận này ra. Các ốc này thường có màu nâu gạch do phải chịu nhiệt độ cao, nên khi tháo ra sẽ có vết hoặc nếu được thay mới thì đây cũng là dấu hiệu đáng ngờ.
5. Kiểm tra nội thất bên trong
Nếu ẩm mốc và có mùi khó chịu thì chắc chắn xe đã dính thủy kích. Khi đi mua xe cũ, bạn cũng nên tắt điều hòa và đóng cửa lại để kiểm tra mùi ẩm mốc trên xe. Nếu mùi nước hoa quá nồng (chiêu trò của garaga) hoặc có mùi ẩm mốc thì bạn cũng không nên mua loại xe này.
6. Kiểm tra ngoại thất, chú ý tới phần đèn
Vị trí đèn xe là vị trí khó xóa dấu vết nhất khi xe bị ngập nước. Trong trường hợp thấy dấu hiệu đèn xe bị cậy ra, bị mờ thì chứng tỏ đèn đã bị ngấm nước. Sau đó kiểm tra phần cốp xe và vị trí các ốc vít xem có đúng vị trí hay không. Sờ và lật trải sàn xem có bùn hay bẩn không. Các dấu hiệu trên cũng cho biết về tình trạng giữ gìn và bảo quản của chủ xe.